Đăng bởi CÔNG TY TNHH COOKING STUDIO vào lúc 08/06/2021
“Bạn không thể sống trong khoảng chừng 3 phút nếu không có không khí, 3 ngày không có nước và 3 tuần không có thức ăn. Các chuyên gia hay gọi đây là quy tắc số 3. Như vậy, so với thức ăn, nước còn chiếm một vai trò quan trọng hơn nhiều đối với cơ thể. Nước là điều kiện cần thiết cho sự sống của mọi sinh vật trên trái đất. Nước là sự sống của cộng đồng, uống đủ nước sạch là ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các tác nhân tự nhiên và do con người gây nên ảnh hưởng to lớn đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng. Một trong các ô nhiễm thường gặp phải đó là nước sông ngòi và nước giếng khoan bị nhiễm phèn sắt với hàm lượng sắt trong nước vượt nhiều lần so với Quy chuẩn hiện hành”.
Nguồn nước sử dụng bị nhiễm sắt, chì
1. Ảnh hưởng của nguồn nước bị nhiễm sắt đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của cộng đồng:
Sắt hòa tan trong nước là sắt 2 (Fe2+) sẽ gây cho nước có mùi tanh rất khó chịu. Khi tiếp xúc với không khí thì sắt 2 (Fe2+) sẽ chuyển hóa thành sắt 3 (Fe3+) kết tủa tạo màu đỏ nâu gây mất thẩm mỹ cho nước, làm cho quần áo bị ố vàng, sàn nhà, dụng cụ bị ố màu nâu đỏ. Hơn nữa, khi nước chảy qua đường ống, sắt sẽ lắng cặn gây gỉ sét, tắc nghẽn trong đường ống.
Nước bị nhiễm sắt sẽ làm cho thực phẩm biến chất, thay đổi màu sắc, mùi vị; làm giảm việc tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm, gây khó tiêu, nước nhiễm sắt dùng để pha trà sẽ làm mất hương vị của trà, nước nhiễm sắt dùng để nấu cơm làm cho cơm có màu xám.
2. Dấu hiệu nhận biết nước bị nhiễm sắt:
2.1. Màu sắc: Nước nhiễm sắt thường trong, khi hứng trong vật chứa 1 thời gian để tiếp xúc với không khí thì sắt 2 (Fe2+) sẽ chuyển hóa thành sắt 3 (Fe3+) kết tủa tạo màu đỏ nâu
2.2. Mùi Vị: Nước nhiễm sắt có thành phần sắt 2 (Fe2+) cao gây cho nước có mùi tanh.
Có thể nhận biết nước có màu hay mùi, tuy nhiên không thể đánh giá nguồn nước đang sử dụng có đạt chất lượng hay không với các thành phần cảm quan, cần có kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu trong nguồn nước, tùy vào mục đích sử dụng để đánh giá nguồn nước đạt hay không đạt. Nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt đánh giá theo QCVN 02:2009/BYT; nước sử dụng cho mục đích ăn uống đánh giá theo QCVN 01:2009/BYT
3. Cách loại bỏ sắt trong nước bị nhiễm sắt:
Tại các khu vực có nguồn nước máy hoặc nguồn nước được kiểm soát của cơ quan chức năng, chất lượng nước ổn định. Còn tại các khu vực người dân phải tự khai thác nước sinh hoạt, cần chủ động xử lý nguồn nước trước khi sử dụng. Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM đề xuất phương pháp xử lý nước đơn giản tại hộ gia đình như sau:
Tùy theo tính chất, mức độ và nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, người
dân có thể tự xử lý nước tại hộ gia đình bằng phương pháp đơn giản. Có thể lựa chọn phương pháp xử lý nước hiệu quả và chi phí phù hợp như sau:
3.1. Giàn mưa:
- Mục đích là nâng pH, khử sắt, khử mùi tanh của sắt.
- Giàn mưa làm cho nước tiếp xúc với không khí để nhận oxy từ không khí khử sắt và nâng độ pH.
- Có thể tạo đơn giản bằng cách đục ống nhựa PVC, cứ cách 3cm lại đục 1 lỗ. Sau đó bịt 1 đầu ống lại, cho nước chảy từ các lỗ đục xuống bể lọc [1].
3.2. Bể lọc:
- Mục đích là lọc cặn, độ đục, chất hữu cơ, làm trong nước, khử mùi (mùi bùn đất, mùi chất hữu cơ).
- Nước qua giàn mưa xuống bể qua các lớp vật liệu sau:
+ Lớp cát vàng hoặc cát thạch anh (độ dày 25 – 30cm).
+ Than hoạt tính (độ dày 10 cm).
+ Lớp đá sỏi nhỏ đường kính 0,5 – 1 cm (độ dày 10 cm).
- Dưới đáy bể dùng ống nhựa khoan lỗ phần ống nằm trong bể nhằm ngăn vật liệu lọc rơi vào đường ống.
- Tùy theo tình hình thực tế và công suất sử dụng của gia đình, nên rửa lớp váng màu vàng đóng trên bề mặt lớp cát trên cùng với tần suất 1 – 3 tháng/lần. Trường hợp vật liệu quá bẩn cần thay vật liệu lọc
3.3. Khử trùng nước:
- Nước sau khi qua lọc vẫn phải đun sôi trước khi sử dụng cho ăn uống nhằm tránh các bệnh đường ruột do vi khuẩn trong nước (vì có thể còn vi khuẩn trong nước).
- Có thể sử dụng hóa chất Chloramin B để khử trùng nước. Nước chỉ được khử trùng sau khi qua quá trình lọc với hóa chất. Sử dụng 3g bột Cloramin B 25% khử trùng 1m3 nước. Nước sau khi khử trùng để thoáng 30 phút mới sử dụng.
4. Khuyến cáo của chính quyền địa phương đối với người dân:
* Tại khu vực người dân sử dụng nước tự khai thác:
- Phải xử lý nước tự khai thác trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn;
- Giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả chất thải, nước thải ra môi trường xung quanh nhằm bảo vệ mạch nước ngầm;
- Vật liệu lọc nước và thiết bị lưu trữ nước cần được vệ sinh định kỳ và che chắn để tránh tái nhiễm nguồn nước đã xử lý.
* Tại khu vực đã được cấp nước sạch (mạng lưới nước máy, trạm cấp nước, bồn chứa, thiết bị lọc…):
- Khuyến khích người dân sử dụng nguồn nước sạch được cung cấp, các hộ dân đã có đồng hồ nước nên lấp giếng đúng cách để bảo vệ tầng nước ngầm;
- Người dân sử dụng nước qua bồn chứa: cần có chế độ súc xả bồn chứa nước hộ gia đình định kỳ 3-6 tháng/ lần;
- Tại các hộ gia đình có thiết bị lọc nước: cần vệ sinh vật liệu lọc, bảo trì theo khuyến cáo của nhà cung cấp;
- Chính quyền địa phương khuyến khích người dân chủ động xét nghiệm nguồn nước đang sử dụng tại hộ gia đình hàng năm nhằm phát hiện các bất thường trong nguồn nước và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Người dân khi phát hiện các bất thường về nguồn nước sử dụng (màu sắc, mùi vị, độ đục…) cần liên hệ với Trạm Y tế phường xã để được hướng dẫn. Để xét nghiệm chất lượng nước đang sử dụng có thể liên hệ Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM (địa chỉ: 699 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5; điện thoại: 0938.060.869) hoặc các Trung tâm Y tế dự phòng quận huyện để được hướng dẫn.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế (2009), Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/06/2009 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.
2. Bộ Y tế (2009), Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17/06/2009 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.
3. Nguyễn Mạnh Khả (2011), Tổng quan về ô nhiễm Sắt và Mangan trong nguồn nước và công nghệ xử lý, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.
4. Trần Giữu (1998), “Vệ sinh Môi trường nước”, Vệ sinh môi trường - Dịch tễ, tập 1, tr.31-73, NXB Y Học, Hà Nội.
5. Trung tâm Y tế Dự TP. HCM (2016), Tài liệu tập huấn giám sát chất lượng nước tại các cơ sở cung cấp nước năm 2016 và triển khai thực hiện Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế, Tp.HCM.
Lê Văn Nhân, Ngô Cao Lẫm, Nguyễn Thị Vân Anh
Trung tâm Y tế Dự phòng Tp.Hồ Chí Minh