Đăng bởi CÔNG TY TNHH COOKING STUDIO vào lúc 08/06/2021
1. Ảnh hưởng của chì đến sức khỏe con người
Chì không có vai trò có lợi về sinh lý với cơ thể, nồng độ chì máu toàn phần bình thường < 10µg/dL, nồng độ lý tưởng là 0 µg/dL. Các chuyên gia cảnh báo việc hít thở không khí có chì hoặc hấp thụ thực phẩm, nước uống hay thuốc nhiễm chì sẽ khiến cơ thể tích tụ chì dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Giới hạn cho phép của hàm lượng chì trong nước ăn uống theo QCVN 01:2009/BYT là 0,01mg/l [1], trong không khí xung quanh là 1,5µg/m3 không khí (trung bình 24 giờ) (QCVN 05:2013/BTNMT) [2], trong đất nông nghiệp là 70 mg/kg đất khô (QCVN 03-MT:2015/BTNMT) [3]. Con người có thể tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau như : các loại thuốc nam lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn), sơn có chì, xăng có chì, đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, nước từ đất ô nhiễm, hệ thống ống dẫn nước bằng chì…
Để chẩn đoán xác định ngộ độc chì, chúng ta dựa trên hai yếu tố sau: Có tiếp xúc với các nguồn có chì hoặc có triệu chứng gợi ý và xét nghiệm chì máu > 10µg/dL (xét nghiệm chì là tiêu chuẩn bắt buộc).
Đối với trẻ em, ngộ độc chì mức độ nặng chẩn đoán như sau:
- Lâm sàng: Thần kinh trung ương: Bệnh lý não (thay đổi hành vi, co giật, hôn mê, phù gai thị, liệt dây thần kinh sọ, tăng áp lực nội sọ); Tiêu hóa: nôn kéo dài; Biểu hiện thiếu máu, có thể kết hợp thiếu sắt.
- Xét nghiệm: Nồng độ chì máu: > 70 µg/dL.
Đối với người lớn, ngộ độc chì mức độ nặng chẩn đoán như sau:
- Lâm sàng: Thần kinh trung ương: Bệnh lý não (co giật, hôn mê, trạng thái mù mờ, sảng, rối loạn vận động khu trú, đau đầu, phù gai thị, viêm thần kinh thị giác, dấu hiệu tăng áp lực nội sọ); Thần kinh ngoại vi: liệt ngoại biên; Tiêu hóa: cơn đau quặn bụng, nôn; Máu: thiếu máu, có thể kết hợp thiếu sắt; Thận: bệnh lý thận.
- Xét nghiệm: Nồng độ chì máu: > 100 µg/dL.
Ngoài ra, có trường hợp người lớn ngộ độc chì mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng kín đáo:
- Lâm sàng: Sinh sản: giảm số lượng tinh trùng, nguy cơ sẩy thai; Thần kinh: có thể có thiếu hụt kín đáo (tiếp xúc kéo dài); Tim mạch: nguy cơ tăng huyết áp; Tăng protoporphyrin hồng cầu.
- Xét nghiệm: Nồng độ chì máu: < 40 µg/dL.
- Biểu hiện nặng thường là cấp tính hoặc đợt cấp của ngộ độc mạn tính
2. Xử lý chì trong nước bằng biện pháp gì ?
Chì là một kim loại nặng có kích thước phân tử lớn nên không thể lọt qua được màng lọc thẩm thấu ngược (kích thước lỗ màng lọc 0,1 nanomet) và bị thải ra ngoài qua đường nước thải. Các phân tử nước có kích thước nhỏ hơn nên lọt qua được màng lọc. Nước sau lọc đã được loại bỏ hoàn toàn chì và các kim loại nặng, chúng ta có thể sử dụng nguồn nước sau lọc cho việc ăn uống và sinh hoạt.
3. Làm cách nào phát hiện chì có trong nước ?
Chì là kim loại không mùi, không vị nên không thể nhận biết bằng cảm quan hoặc nhìn bằng mắt; để biết trong nguồn nước sử dụng có chứa chì hay không phải tiến hành xét nghiệm. Nếu chúng ta nghi ngờ nguồn nước đang sử dụng bị nhiễm chì thì có thể xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM (địa chỉ: 699 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5; điện thoại: 0938.060.869).
4. Tiên lượng
Khi nồng độ chì trong máu > 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ. Hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề: tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì hoặc giảm xuống < 5% khi có các thuốc gắp chì có hiệu quả, 25-30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn bao gồm chậm phát triển trí tuệ (mất khả năng học tập và tự phục vụ), co giật, mù, liệt. Phần lớn các trẻ có chì máu tăng nhưng không có triệu chứng rõ và vẫn có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ và thể chất, cần phải điều trị. Có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, ngay cả khi nồng độ chì máu thấp [4].
5. Phòng bệnh
Để phòng bệnh chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân, khi bị bệnh chỉ khám ở các cơ sở có đăng ký và dùng các thuốc lưu hành hợp pháp;
- Loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì trong cuộc sống hàng ngày như sơn có chì, đồ chơi có chì…
- Giữ vệ sinh môi trường, đặc biệt ở nhà và trường học, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ (đặc biệt rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng). Trẻ em ở nơi có ô nhiễm chì bên cạnh việc xử lý môi trường cần chú ý thường xuyên cung cấp đủ các chất khoáng cần thiết như canxi, sắt, kẽm, ma giê…
- Đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, đặc biệt với các nghề nghiệp có nguy cơ nhiễm độc chì cần đảm bảo môi trường và an toàn lao động, tránh gây ô nhiễm, kiểm tra sức khỏe (gồm xét nghiệm chì trong máu) định kỳ.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài nguyên Môi trường (2013), Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT ngày 25/10/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Bộ Tài nguyên Môi trường (2015), Thông tư số 64/2015/TT-BTNMT ngày 21/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Bộ Y tế (2009), Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/06/2009 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.
Bộ Y tế (2012), Quyết định số 1548/QĐ-BYT ngày 10/05/2012 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì.
Lê Văn Nhân, Ngô Cao Lẫm, Lê Đỗ Diệu Trang
Trung tâm Y tế Dự phòng Tp.Hồ Chí Minh
Nguồn: yteduphongtphcm.gov.vn