Nước Máy Nhiễm Amoni Vượt Giới Hạn: Không Xử Lý Vì Tốn Kém?

Đăng bởi CÔNG TY TNHH COOKING STUDIO vào lúc 07/06/2021

 

Trong khi đó, tại một đề tài về xử lý nước trước đây do ông Nguyễn Văn Khôi (hiện là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) làm chủ nhiệm đề tài đã cho thấy, không thể xử lý được nếu nước bị nhiễm amoni ở mức cao...

Đã từng nghiên cứu

Vấn đề xử lý amoni trong nước ngầm Hà Nội từng được đặt ra trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu xử lý nước ngầm nhiễm bẩn amoni” thuộc “Chương trình điều tra đánh giá thực trạng môi trường và đề xuất các giải pháp bảo vệ” của UBND TP Hà Nội. Dự án nghiên cứu tiền khả thi này được giao cho Sở Giao thông công chính. Chủ nhiệm đề tài này là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội hiện nay - ông Nguyễn Văn Khôi, khi ấy còn giữ cương vị PGĐ Sở GTCC năm 2002. 

Theo nghiên cứu này, có 3 nhà máy nước bị nhiễm amoni điển hình là Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai. Trong đó, hàm lượng amoni tại giếng Nhà máy nước Tương Mai giao động từ 6 – 12mg/lít, có khi lên đến 18mg/lít; các giếng Nhà máy nước Hạ Đình từ 12 – 20mg/lít, có khi 25mg/lít; các giếng Nhà máy nước Pháp Vân là 15 – 30mg/lít, có khi 40mg/lít.

 

 

Sau khi tiến hành các xét nghiệm, đề tài này còn đánh giá: Sau xử lý, các nhà máy trên đạt tiêu chuẩn về sắt, song không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng amoni; Công nghệ của ba nhà máy trên chỉ làm giảm được 10 – 30% hàm lượng amoni. Cụ thể, hàm lượng amoni trong nước đầu ra (nước bắt đầu ra ngoài nhà máy) của Nhà máy nước Tương Mai còn 6 – 8mg/lít; Nhà máy nước Hạ Đình trung bình là 14,8mg/lít; Nhà máy nước Pháp Vân còn từ 20 – 25mg/lít. Chất lượng nước đầu ra của cả ba nhà máy trên đều không đạt chỉ tiêu về amoni, thậm chí do amoni không được xử lý triệt để nên hàm lượng nitrit (có khả năng gây ung thư) cũng có thể đạt mức cao. 

Nhóm tác giả thực hiện đề tài nghiên cứu này (trong đó có ông Bùi Văn Mật, nguyên TGĐ Cty KDNS) nhận định, các nhà máy nước với công nghệ hiện tại từ sau cải tạo (1985 – 1990) đến nay đều đạt hiệu suất xử lý sắt và mangan, nhưng không thể xử lý được amoni. Chỉ có Nhà máy nước Yên Phụ hàm lượng amoni thấp trong khoảng 0,25 – 1,5mg/lít thì sau xử lý, có thể khử được hết chất này. Ngược lại, với hàm lượng amoni cao từ 6 – 30mg/lít như các nhà máy nước Tương Mai, Hạ Đình, Pháp Vân, hiệu suất xử lý chỉ được khoảng 10 – 30%. 

 

TS Lê Văn Cát

“Tương đương 10kg phân đạm/36m3 nước”

Liên quan đến việc xử lý amoni trong nước sinh hoạt, ngày 18/3 Tiến sĩ Lê Văn Cát (Viện Hoá học) cho biết: “Vùng phía nam Hà Nội rất khó khăn khi tìm thấy nguồn nước không nhiễm hoặc nhiễm ít amoni. Việc nguồn nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt nhiễm amoni là chuyện không phải bàn cãi nữa. Chính ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch thành phố là người biết rõ nhất. Từng có một thử nghiệm ở Nhà máy nước Pháp Vân để khử amoni, nhưng theo tính toán, nếu triển khai ứng dụng xử lý cho cả Nhà máy nước Pháp Vân sẽ hết khoảng 3 triệu USD. Vì xử lý quá tốn kém nên họ không làm”. 

Tiến sĩ Lê Văn Cát khẳng định, Hà Nội có 12 nhà máy nước thì ít nhất có 3 - 4 nhà máy nhiễm amoni, cung cấp cho khoảng 1 triệu dân. Có nghĩa, khoảng 1/4 dân Thủ đô hiện đang dùng nguồn nước nhiễm amoni, đặc biệt là vùng dân cư khu vực phía nam. Chưa kể, các khu dân cư chưa được cung cấp nước từ mạng nước thành phố mà phải sử dụng trạm cấp nước riêng, với khoảng vài ngàn mét khối một ngày, những trạm nằm ở khu vực phía nam Hà Nội, ít nhất 90% bị nhiễm amoni. Đặc biệt, khu vực phía dưới Quán Gánh, Thường Tín hoặc ven vùng sông Nhuệ (vùng Hà Nội mở rộng), tỉ lệ này đạt đỉnh 100%.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, nước nhiễm amoni còn nặng nề và nghiêm trọng hơn asen rất nhiều, vì amoni dễ dàng chuyển hoá thành chất độc hại, lại khó trong thao tác xử lý. Cả vùng đồng bằng sông Hồng có ít nhất 6 triệu người liên quan đến vẫn đề nước nhiễm amoni, trong đó có vùng như Hà Nam hàm lượng amoni lên tới 120mg/lít. “Vào đợt cao điểm nhất, người ta bón 10kg phân đạm cho 1 sào lúa, nước trong ruộng lúc ấy là 36m3. 10kg phân đạm được 4 - 5 kg nitơ. Như vậy, nếu hàm lượng amoni trong nước ngầm, nước sinh hoạt ở vùng nhiễm cao, lên tới 80 – 100mg/lít thì dùng nước đó sinh hoạt cũng không khác là mấy so với việc dùng nước ở ruộng được bón 10kg phân đạm”, tiến sĩ Cát tính toán.  

Trồng cây thuỷ trúc loại bỏ amoni, asen

Người dân nên dùng một số loại thực vật sống trong nước (thủy thực vật) có khả năng tích lũy kim loại nặng với mức độ cao, để khử asen và amoni trong nước. Một số loại cây như thủy trúc, cây cỏ nến, cây chuối hoa và nổi bật nhất là cây dương xỉ Trung Quốc có khả năng tích lũy asen, hút amoni. Kỹ thuật sử dụng thực vật trong xử lý nước thông dụng là phối hợp với quá trình lọc: sử dụng một hay nhiều bể lọc cát nối tiếp nhau; hướng của dòng nước lọc từ trên xuống; nước thu từ phía đáy bể. 

Cho đến nay, hai loại cây đáp ứng được tiêu chí lựa chọn cho nhiều vùng là cây thủy trúc và cây cỏ nến. Khác với hầu hết các kỹ thuật xử lý khác, thủy trúc và cỏ nến hấp thu asen không phân biệt dạng hóa trị của asen, vì vậy hệ xử lý không cần tới giai đoạn tiền oxy hóa; amoni có trong nước khi được bơm qua lớp cây này cũng được rễ cây hút vào. 

Tuy nhiên, nhằm tránh tắc tầng lọc, sắt cần được loại bỏ trước khi tiến hành lọc qua thảm thực vật.  

Nguồn: TS Lê Văn Cát (Viện Hóa học) - giadinh.net