Máy lọc nước 3M Việt Nam

Bạn Có Biết: Nước Giếng Khoan Không Nên Dùng Cho Ăn Uống

Ở ngoại thành TPHCM hiện vẫn còn tình trạng người dân sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, ăn uống. Bác sĩ khuyến cáo, loại nước này không đảm bảo an toàn để ăn uống.

 

TPHCM luôn tăng cường năng lực cung cấp nước sạch đảm bảo cho người dân sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), mục tiêu của thành phố đến năm 2025 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc khai thác nước ngầm dưới lòng đất.

Tuy nhiên thực tế ở ngoại thành vẫn còn tình trạng người dân sử dụng nước giếng khoan. Trong điều kiện nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm bởi quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu thì nước giếng khoan không thể đảm bảo an toàn để bà con sử dụng, đặc biệt trong ăn uống.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Huỳnh Sang phỏng vấn Bác sĩ Ngô Cao Lẵm, Trưởng Khoa Sức khỏe-Môi trường-Trường học thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM.

* VOH: Thưa bác sĩ, có nhiều người sử dụng nguồn nước ngầm nhưng gần đây thì hay có cảnh báo về tình trạng kém chất lượng của nước ngầm. Bác sĩ lý giải điều đó như thế nào?

- BS Ngô Cao Lẵm: Thứ nhất, hiện nay chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa rất mạnh. TPHCM đang là nơi trọng tâm của phía Nam về kinh tế, văn hóa, công nghiệp, du lịch... do đó đã phát sinh nhiều nguồn thải trong sản xuất dịch vụ.

 

Thứ hai, TPHCM là nơi tập trung đông dân cư. Cách đây ít năm đã thống kê TPHCM đã có hơn 10 triệu dân (cả dân nhập cư). Vì vậy điều này kèm theo sự phát thải về ô nhiễm như nguồn phân thải ra môi trường.

Hiện nay ở TPHCM, nước giếng khoan vẫn còn được sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất với khối lượng lên đến 600.000 m3/ngày. Thành phố quyết tâm sẽ kéo giảm xuống còn khoảng 100.000 m3/ngày vào năm 2025.

Việc sử dụng nguồn nước này nhiều, nguồn thải nhiều nên dẫn đến chất lượng nước kém, dẫn đến sụt lún một số khu vực bị khai thác nước ngầm.

* VOH: Nguồn nước ngầm phải đáp ứng những tiêu chuẩn như thế nào mới sử dụng được? Người sử dụng phải lưu ý điều gì?

- BS Ngô Cao Lẵm: Người sử dụng thường chỉ theo cảm quan, nhìn nước trong, không màu, không mùi thì thấy xài tốt. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng nguồn nước thì phải xét nghiệm. Bộ Y tế đã đưa ra 2 quy chuẩn về nước ăn uống và sinh hoạt.

 

Quy chuẩn thứ nhất là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống QCVN 01/2009. Quy chuẩn này rất nghiêm ngặt, xét nghiệm đến 109 chỉ tiêu hóa lý, vi sinh nguồn nước. Hiện TPHCM có 8 nhà máy nước với công suất hơn 2 triệu m3/ngày đủ đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân trong ăn uống và sinh hoạt. 

Quy chuẩn thứ hai là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt QCVN 02/2009. Đối với người dân thì nguồn nước giếng khoan chỉ đáp ứng trong sinh hoạt thôi. Tuy nhiên nước sinh hoạt (nước giếng khoan) thì không thể dùng trong ăn uống và chế biến thực phẩm được. Vì xét nghiệm nước sinh hoạt chỉ có 10 chỉ tiêu thôi, mỗi chỉ tiêu lại hơi thấp trong khi xét nghiệm nước ăn uống đến 109 chỉ tiêu.

Rõ ràng giữa 2 quy chuẩn khác nhau rất xa. Hiện nay, nguồn nước máy dùng cho ăn uống sinh hoạt chung, thành phố đã đảm bảo cung cấp đủ cho người dân, do đó cũng không có lý do gì chúng ta sử dụng nước giếng cho ăn uống cả.

* VOH: Như vậy nghĩa là việc sử dụng nước ngầm, nước giếng khoan lúc nào cũng đối diện với nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe?

- BS Ngô Cao Lẵm: Dĩ nhiên, xét nghiệm chỉ có 10 chỉ tiêu và xét nghiệm có 109 chỉ tiêu thì cách nhau xa lắm! Trong kết quả giám sát nước giếng hộ dân tự khai thác tại thành phố, mỗi tháng chúng tôi xét nghiệm 2 mẫu nước giếng/quận - huyện để đánh giá xem như thế nào.

Kết quả 2018, có 58% nước giếng khoan tại quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn có độ PH thấp, có 13,5% hàm lượng Amoni cao. Khoảng 5% trong số đó có chỉ tiêu vi sinh không đạt. 

* VOH: Riêng đối với khu vực ngoại thành như Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi thì đặc điểm nước giếng khoan, mạch nước ngầm ở đây có điều gì cần lưu ý? 

- BS Ngô Cao Lẵm: Những nơi như Hóc Môn, Quận 12, Cần Giờ nhiễm phèn rất cao, độ PH thấp, một số ít nhiễm Amoni. Riêng Củ Chi nhiễm phèn ít hơn. Nước ở Củ Chi có vẻ tốt hơn một chút nhưng độ PH không đạt, nhiễm sắt ít.

 

Tuy nhiên những xét nhiệm này chỉ đánh giá theo tiêu chuẩn nước sinh hoạt thôi. Còn tuyệt nhiên so với chất lượng QCVN 01/2009 về nước ăn uống thì không đạt. Do đó, những khu vực nào bà con có thể khai thác một ít nước giếng khoan dùng cho nông nghiệp, tưới cây, vệ sinh, ngoại cảnh cũng có thể chấp nhận được nhưng nếu bà con dùng nước cho ăn uống, chế biến thực phẩm thì phải dùng nước máy.  

* VOH: Cảm ơn bác sĩ Ngô Cao Lẵm.


Nguồn: radio.voh.com.vn

Bạn đang xem: Bạn Có Biết: Nước Giếng Khoan Không Nên Dùng Cho Ăn Uống
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon icon icon icon