Máy lọc nước 3M Việt Nam

Tranh Cãi Một Số Nhà Máy Nước Bị Ô Nhiễm

Sau khi Báo GĐ&XH đăng loạt bài về một số nguồn nước máy ở HN nhiễm độc, Sở Y tế và Cty Kinh doanh nước sạch HN (KDNS) đã lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm. Việc lấy mẫu diễn ra trong hai ngày 17 – 18/3. Phía Cty KDNS khẳng định, sau 10 ngày sẽ có kết quả chính thức. Hiện, công ty này vẫn khẳng định nước máy của họ hoàn toàn “sạch”.

 

“Nước của chúng tôi hoàn toàn sạch”

Ngày 17/3, Phó TGĐ Cty KDNS Hà Nội, ông T.Q.H khẳng định: “Nước máy của công ty hoàn toàn sạch, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn (hàm lượng amoni thấp hơn 1,5mg/lít; hàm lượng asen là 10 microgam/lít trở xuống - PV). Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi đều lấy mẫu nước ở nhà máy, ở nhà dân, bao gồm cả khu vực Giáp Bát, Phương Liệt (khu vực nhiễm amoni nặng - PV). Kết quả cho thấy các chỉ tiêu đều trong giới hạn cho phép”.

 

 

Theo ông, kết quả test thử của TSKH Trần Văn Nhị thiếu độ chính xác do hai nguyên nhân: Thứ nhất, phía công ty chỉ chịu trách nhiệm nếu test thử đó lấy nước ở chỗ lắp đồng hồ, còn đường ống nước từ đồng hồ vào nhà là do người dân chịu. Có nghĩa, nếu có tình trạng nước nhiễm bẩn, hoàn toàn có thể do chính đoạn ống nước người dân tự lắp chừng vài mét được kéo từ đồng hồ nước vào trong nhà (!). Thứ hai, việc thử nước phải được thực hiện trong phòng riêng, trong điều kiện có các trang thiết bị, điều kiện thời tiết ít biến động thì mới cho kết quả chính xác, hàm lượng cụ thể. 

 

Để chứng minh cho viện dẫn trên, phía Cty KDNS HN đã đưa ra cuốn “Tiêu chuẩn nhà nước về nước uống” (phương pháp phân tích hoá, lý học và vi khuẩn của nước): “Xác định amoni trong phòng riêng để tránh amoni có trong không khí xâm nhập vào làm sai kết quả thử. Để loại ion Canxi và Magiê, trước khi xác định cho thêm dung dịch muối Reines”. 

 

Theo giải thích của công ty, nước sau khi xử lý vẫn còn một số chất khoáng, các chất này có thể tham gia phản ứng tạo ra các màu khác nhau. Việc cho muối Reines vào nước trước khi thử nhằm tạo ra chất che chắn, nếu cho thẳng chất thử Reines vào nước sẽ tạo nên độ đục. 

 

Tuy nhiên, TSKH Trần Văn Nhị giải thích, muối Reines là chất chống kết tủa. Ở phòng thí nghiệm, bắt buộc phải cho muối này vào nước để chống kết tủa thì khi đo trên máy quang phổ mới có kết quả chính xác. Còn khi thử trực tiếp tại vòi nước là phương pháp bán định lượng. Sau khi nhỏ dung dịch thử Reines vào mà nước kết tủa thành vẩn vàng đục thì chắc chắn nước đó nhiễm amoni.

 

Chiều 17/3, TS Nguyễn Thị Nhung – nhà khoa học có nhiều nghiên cứu, xét nghiệm về amoni, asen (Viện địa chất Việt Nam) xác nhận: “Tình hình nước ngầm phục vụ sinh hoạt vẫn tồn tại nguyên tố độc hại như amoni, nitrit, asen. Theo tôi, các gia đình, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ vì trẻ nhỏ có hệ hô hấp, hệ tiêu hoá chưa phát triển hoàn thiện nên đào thải kém, cần quan tâm hơn đến chất lượng nước sinh hoạt”. Từ năm 2002, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố tình trạng nhiễm amoni trong nước ngầm ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.

Tranh Cãi Một Số Nhà Máy Nước Bị Ô Nhiễm

Cặn từ nước của  nhà máy nước Pháp Vân sau một thời gian qua bộ lọc gia đình.

 

Ngoài thực trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm amoni như cảnh báo của các nhà khoa học, chính tình trạng đục phá đường ống nước trái phép của người dân là một trong những nguyên nhân đáng kể khiến tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn. Hiện Hà Nội có tổng số hơn 300.000 km đường ống nước, trong đó có tới 60 – 70% được xây dựng từ năm 1985 đến 1992 (một phần đường ống được xây từ trước 1985). Chỉ  một số khu vực mới như quận Hoàng Mai, Long Biên, Đông Anh, Tây Hồ... có hệ thống đường ống mới được xây dựng từ sau năm 1992 trở lại đây. 

 

 

Trong khi đó, tình trạng đục phá đường ống đầu nối vào nhà trái phép còn khá phổ biến nên tỉ lệ thất thoát, rò rỉ rất cao, lên tới trên 30%. Một số loại cặn, sắt, amoni, vi trùng côli... xâm nhập vào hệ thống nước ở chính những điểm ống bị đục phá, rò rỉ.  

 

Trong thực tế, Nhà nước cũng đã có nhiều cố gắng như nhập một dây chuyền công nghệ khử amoni trong nước tại nhà máy nước Nam Dư để giảm amoni từ 6 – 7 mg/lít xuống đến giới hạn cho phép là 1,5 mg/lít. Nhưng với các nguồn nước bị nhiễm amoni khác thì cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khả thi. Nhiều đề tài, dự án đã được thực hiện ở cấp Bộ, cấp Nhà nước nhưng cho đến nay đối với nước sinh hoạt cũng mới chỉ có một mô hình điểm với công suất 4 – 5m3/h (tức 100 m3/ngày đêm) do Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng. Tuy nhiên, quy mô xử lý 100m3/ngày đêm quá nhỏ so với công suất xử lý vài chục ngàn mét khối/ngày đêm của mỗi nhà máy để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày cho người dân. 

 

Nguồn: Lã X., giadinh.net.vn

 

Bạn đang xem: Tranh Cãi Một Số Nhà Máy Nước Bị Ô Nhiễm
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon icon icon icon